MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT MỚI NỔI BẬT
1.Không xem xét đơn tố cáo nặc danh
Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011.
Theo Điều 25 Luật Tố cáo 2018, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng nếu thuộc vào một trong những trường hợp sau thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định:
– Không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo;
– Qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo;
– Người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo;
– Thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không bằng đơn hoặc không được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ngoài ra, Luật này còn bổ sung thêm quy định cho phép người tố cáo có quyền rút nội dung tố cáo (Điều 33).
2.Thẩm phán không được công khai quan điểm khi chưa có bản án
Ngày 04/7/2018, Hội đồng tuyển chọn giám sát Thẩm phán quốc gia ban hành Quyết định 87/QĐ-HĐTC về Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
Theo Điều 12 Bộ Quy tắc, khi làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác và thông tấn báo chí Thẩm phán phải đảm bảo các yêu cầu sau:
– Chỉ được phát ngôn, cung cấp thông tin liên quan về việc xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo phòng chống tham nhũng … khi được lãnh đạo cấp có thẩm quyền phân công theo quy định của pháp luật.
– Chỉ được phát biểu công khai quan điểm về việc giải quyết vụ việc khi đã ban hành bản án quyết định.
– Không được cung cấp bản án, quyết định cho báo chí và các tổ chức, cá nhân khác trừ các hình thức đã được pháp luật cho phép.
– Được tham gia phỏng vấn, khảo sát kinh nghiệm về chuyên môn để phục vụ nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế khi không ảnh hưởng đến giải quyết vụ việc.
Quyết định 87/QĐ-HĐTC có hiệu lực kể từ ngày ký.
3.Tăng lương hưu, trợ cấp từ 01/7
Ngày 15/6/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2018/NĐ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Theo đó, từ ngày 01/7/2018, tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 đối với các đối tượng sau đây:
– Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
– Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
– Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
– Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CPvà Quyết định 111-HĐBT.
– Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định 38/2010/QĐ-TTg.
– Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg.
– Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.
– Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Nghị định 88/2018/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018.
4.Hướng dẫn phối hợp thi hành quyết định phá sản
Ngày 12/6/2018, Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC về phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản đã được Liên bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
Thông tư liên tịch này hướng dẫn một số nội dung về phối hợp thi hành quyết định phá sản như sau:
– Sau khi nhận được thông báo của Tòa án về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là người phải thi hành án. Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc (Khoản 1 Điều 3).
– Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản được chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực. Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định Tòa án giải quyết phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên (Điều 5).
– Sau 30 ngày kể từ ngày người mua tài sản nộp đủ tiền mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không giao được tài sản, giấy tờ cho người trúng đấu giá thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có văn bản đề nghị và bàn giao toàn bộ giấy tờ cho cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện cưỡng chế giao tài sản, giấy tờ…
5.Công ước quốc tế về Huấn luyện, Cấp chứng chỉ và Trực ca cho thuyền viên tàu cá, 1995 có hiệu lực đối với Nauru
Ngày 19/6/2018, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) gửi các Quốc gia thành viên Thông tri số STCW-F/Circ.19 về việc: Tổng Thư ký IMO thông báo Công ước về Huấn luyện, Chứng nhận và Trực ca cho thuyền viên tàu cá STCW-F, 1995 có hiệu lực thi hành từ ngày 18/9/2018 đối với Nauru. Hiện tại, có 24 Quốc gia thành viên Công ước STCW-F, 1995.
6.Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004 có hiệu lực đối với Qata
Ngày 08/5/2018, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) gửi các Quốc gia thành viên Thông tri số BMW.1_Ciirc50 về việc: Tổng Thư ký IMO thông báo Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn lắng nước dằn tàu năm 2004 sẽ có hiệu lực đối với Qata bắt đầu từ ngày 08/5/2018. Hiện tại, có 68 Quốc gia thành viên Công ước, chiếm 75,08% Tổng dung tích đội tàu thương mại Thế giới.
7.Chiến lược IMO ban đầu về giảm phát thải khí nhà kính từ tàu
Ngày 13/4/2018, Tổ chức Hang hải Quốc tế (IMO) đã ban hành Nghị quyết MEPC.304 (72) thông qua Chiến lược IMO ban đầu về giảm phát thải khí nhà kính từ tàu (Chiến lược), theo đó nội dung của Chiến lược đưa ra tầm nhìn, mức đột ham vọng và các nguyên tắc hướng dẫn, các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn và những tác động của chúng đến các quốc gia. Chiến lược này cũng xác định các rào cản và biện pháp hỗ trợ bao gồm xây dựng năng lực, hợp tác kỹ thuật và nghiên cứu và phát triển.
8.Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
Ngày 06/07/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, thay thế cho Quyết định 10/2007/QĐ-TTg.
Điều 3 quy định Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam bao gồm 05 cấp:
– Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U;
– Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;
– Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;
– Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bố số theo ngành cấp 3 tương ứng;
– Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.
Nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó:
– Bao gồm: Những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế;
– Loại trừ: Những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.
Quyết định 10/2007/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày Quyết định 27/2018/QĐ-TTg có hiệu lực. Quyết định 27/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 20/8/2018.
9.Mở rộng cơ chế Một cửa quốc gia tại nhiều cảng biển
Ngày 26/6/2018, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 3731/TCHQ-CNTT về việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia.
Theo đó, từ 9h ngày 1/7/2018, triển khai mở rộng cơ chế Một cửa quốc gia tại cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi thuộc các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.
Toàn bộ hãng tàu, đại lý hãng tàu, giao nhận sẽ thực hiện khai báo các thủ tục liên quan đến tàu thuyền, bao gồm cả bản lược khai hàng hóa điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn.
Trong thời gian đầu triển khai, từ 1/7/2018 – 13/7/2018, các cơ quan bố trí cán bộ trực để làm thủ tục theo quy trình hiện hành phòng khi hệ thống gặp sự cố phát sinh.